DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

CHÙA QUANG ÂN XÃ THANH LIỆT, HUYỆN THANH TRÌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI - DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA
Ngày đăng 01/07/2023 | 12:00  | Lượt xem: 389

Chùa Quang Ân thuộc Thôn Trung, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội nay thuộc Thôn Tràng. Tên nôm là chùa Nội, do nhân dân từ xưa đến nay gọi là chùa Quang Ân tự .

Theo bia đá dựng năm Chính Hòa thứ 25 (1704) ghi: “Chùa Quang Ân vốn là một danh lam cổ tích, trải lâu đời”. Quả chuông đồng đúc năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) ghi rõ: “Chùa Quảng Ân là một danh lam trong mọi cõi, danh lam muôn đời, đất quý hun đúc vẻ linh thiêng...”. Tấm bia năm Bảo Đại Thứ 18 (1943) lại ghi: “Làng Thanh Liệt nổi tiếng trấn Sơn Nam Thượng, từ xưa đã có ngôi chùa, được sông núi bao quanh, cỏ hoa nuôi dưỡng.., được xây dựng từ năm Chính Hòa thứ 15 (1694) đời Lê, giữa cánh đồng dựng lên mấy gian nhà tranh. Sau nhờ có vị tổ sư là Tri Giác hòa thượng Nguyễn Như Sản khởi công xây dựng điều phúc, xây dựng Tiền đường, tòa Tam bảo, hành lang tả hữu, đúc chuông, đắp tượng Phật... Năm Duy Tân (1913) sửa sang Tiền đường, phòng Tăng, hành lang lớn nhỏ... quy mô vẫn giữ nguyên như cũ... Năm Khải Định thứ 4 (1919) xây tòa nhà Tổ. Năm Bảo Đại thứ 4 (1929) tô tượng Phật. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935) xây điện Mẫu. Năm 1940 trùng tu nhà Tổ, nhà Khách. Năm 1941 xây các ngôi tháp Tổ…

 Chùa chiền tôn nghiêm, lâu đài cao rộng... với sông Tô, đầm sen, để người đời sau tới chùa này, dạo chơi lên cổng này, đọc bia này mà xem chuyện nay, nhớ chuyện xưa bất hủ vậy”.

Ngày nay, các hạng mục công trình của chùa bao gồm: Tam quan, chùa chính, sân, vườn, tháp mộ sư, nhà bia...

Mở đầu là Tam quan với cấu trúc khá lớn, xây dựng năm 1942, bên trong đặt tượng Nam Hải Quan Âm và Lâm Tế Hộ Pháp. Mặt tường hai bên được ấp các tấm bia hậu Phật. Về phía hai bên áp sát Tam quan là hai dãy nhà ba gian. Ở phía ngoài, sát với tường bao nối liền Tam quan bên trái là cây bồ đề cổ thụ lớn, dưới gốc cây có một miếu nhỏ.

Qua Tam quan là một khu vườn lớn, sau đó là sân rộng lát gạch, giữa sân là một cây hương đá niên đại Chính Hòa năm thứ 25 (1704). Trong lần tu bổ gần đây, sân này đã được bày hệ thống tượng Thập Bát La Hán.

Chùa chính có kết cấu kiểu chữ Đinh, gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường là nếp nhà bảy gian, hai mái chảy lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp gạch hoa chanh, chính giữa bờ nóc là bức đại tự đề ba chữ Hán tên chữ của chùa. Vào bên trong, tương ứng với bảy gian là bộ vì được làm thống nhất theo kiểu thượng giá chiêng, chồng rường, hạ cốn, tiền kẻ, hậu bẩy. Trang trí tập trung chủ yếu ở đầu các xà, cốn nách với các kỹ thuật chạm nổi, chạm bong kênh đề tài hoa lá trên nền hoa văn triện móc, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX - XX.

Không gian Tiền đường là nơi bài trí một số tượng như: tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện, Trừng Ác; Đức Ông, Thánh Tăng, hai pho Kim Cương.

Thượng điện được nối từ gian giữa Tiền đường, tạo thành chuôi vồ, gồm bốn gian, hai mái chảy lợp ngói ta. Các bộ vì bên trong được làm bằng gỗ tương tự như vì tại Tiền đường. Trang trí bên dưới các bộ vì Thượng điện là các bức cửa võng được chạm thủng công phu các đề tài tứ linh, tứ quý. Bức hoành phi chính giữa trước Thượng điện đề bốn chữ Quang Ân bảo tự cùng các đôi câu đối ca ngợi Phật Pháp càng làm tăng thêm vẻ nghiêm trang của không gian thờ tự.

Không gian Thượng điện là nơi bài trí tượng Phật. Trên cao nhất là bộ tượng Tam Thế, tiếp theo là bộ tượng A Di Đà - Quán Thế Âm, Đại Thế Chí; lớp thứ ba là bộ tượng Thích Ca Niệm Hoa - A Nan, Ca Diếp; lớp thứ tư là tượng Phật Di Lặc; lớp thứ năm là tượng Quan Âm Chuẩn Đề - Nam Tào, Bắc Đẩu; ngoài cung là tượng Cửu Long và Thích Ca Sơ Sinh. Hai bên sườn Thượng điện đặt bộ tượng Thập Điện Diêm Vương. Phía trong cùng Thượng điện đặt tượng Quan Âm Tọa Sơn và Quan Âm Tống Tử. Nhìn chung, tượng ở chùa Quang Ân có phong cách tạo tác khá đồng nhất, nổi bật là các pho tượng của bộ Tam Thế, Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Di Lặc mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Hai dãy hành lang hai bên, mỗi bên chín gian, bộ vì đỡ mái dạng vì kèo thiên về độ bền chắc. Sau chùa là nhà Tổ năm gian, bài trí thờ tự tập trung tại gian giữa, trên cùng là Thích Ca Sơ Sinh, bên dưới bài trí tam vị Tổ và di ảnh cố Hòa thượng Thích Viên Thành. Sau nhà Tổ là tòa nhà Mẫu kết cấu hình chữ Đinh ba gian nhỏ với năm bộ vì thượng giá chiêng chồng rường. Chính giữa là ban thờ Mẫu, hai bên là Đức thánh Trần và ban Sơn Trang. Nhà bia chùa nằm bên trái chùa có đặt các bia hậu mới. Chùa Quang Ân đã trải qua hơn ba trăm năm lịch sử, đến nay vẫn là một trong những ngôi chùa có quy mô bề thế, cảnh sắc thanh u, bảo lưu được nhiều hiện vật quý, là một trong những danh lam thắng tích của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1995.

Chùa Quang Ân là một di tích lịch sử văn hóa, một cơ sở thờ tự tôn giáo và cũng là di tích lịch sử cách mạng của xã. Năm 1995, Chùa Quang Ân được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Chùa Quang Ân được xây dựng bên bờ hồ Ngọc Thanh Đàm. Theo sử liệu, tên chùa xưa gọi là Ân Quang, sau mới đổi là Quang Ân Tự.

Chùa được Sư tổ Như Liên trụ trì chùa Băng Liệt sang chứng cảnh và xây dựng từ năm 1704. Ban đầu, chỉ là mấy gian thờ đơn sơ, cạnh ngòi Đồng Đú, nên còn có tên là chùa Ngòi.

Đến năm 1747, Hòa thượng Trí Giác (1692-1769) người bản xã họ Nguyễn Trọng về trụ trì trong 22 năm, đã tôn tạo và mở mang, xây dựng.

Thời kỳ sau đó là Sư tổ Vĩnh Nghiêm về chứng cảnh và giao cho đệ tử là Nguyễn Thông Đạt cải tạo, xây dựng tiếp trong 6 năm (1935-1941) tạo dựng nên kiến trúc bề thế và uy nghiêm. Trải qua thời gian, một số hạng mục của ngôi chùa bị xuống cấp, nhân dân đã hưng công tu bổ ngày một khang trang.

Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, từ năm 1944, vị Sư trụ trì chùa, đã tham gia hoạt động trong Mặt trận Việt Minh. Trong những năm tháng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt (1947-1952), chùa Quang Ân là địa điểm liên lạc, nơi đi về, hội họp của cán bộ, bộ đội. Trong đó có đồng chí Vũ Sự (sau là Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô) và đông chí Hoàn đã thường xuyên ở đây chỉ đạo phong trào. Chùa cũng là nơi tập hợp của du kích trước khi xuất quân đi phá bốt, diệt tề.

Trong lần đi tham gia phối hợp đánh Sân bay Bạch Mai du kích cũng xuất phát từ đây.

Sau năm 1945, gần 50 năm chùa Quang Ân không có sư trụ trì nhưng vẫn được các cụ cao niên và dân làng trông nom hương khói quanh năm.

Từ năm 1995, Sư ông Thích Minh Trí (nay là Thượng Tọa Thích Minh Trí) về trụ trì, cùng với nhân dân bản xã và thập phương công đức, chùa được mở mang và nâng cấp từ trong nội tu đến các khuôn viên, nên đã thành một thắng cảnh, là một trong những ngôi chùa đẹp trong vùng.

Chùa Quang Ân, càng được nhân dân trong xã bảo tồn, gìn giữ và Phật tử thập phương quan tâm hưng công tôn tạo.