GIỚI THIỆU CHUNG
Đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu (Đình Ngoại)
Đình Ngoại được xây dựng năm Canh Ngọ (1690) trên thế đất đầu rồng bên bờ đầm Ngọc Thanh (Đầm Tròn). Đây là thế đất quý và đẹp được dân làng lập đình thờ vị Thành hoàng bản thổ là lão tướng Phạm Tu.
Khoảng năm 1879 đình được xây dựng thêm 3 gian bái đường. Tiếp đó là một lần trùng tu lớn vào năm 1923. Trong hậu cung, có thờ bức tranh chân dung Ngài. Bức tranh có từ lâu đời, năm 1932 được tô vẽ lại, cả các vị phụ tá của Ngài.
Ngày 20 tháng 7 năm Mậu Dần (1998), dân làng đã tạc tượng gỗ để thờ, Lễ yên vị được tổ chức hết sức trọng thể.
Trong đình có nhiều nghi trượng và hoành phi, câu đối. Đặc biệt, có đôi ngựa bạch khi hội làng, được rước giữa hai đình (Đình Nội và Đình Ngoại). Đôi ngựa cũ đã hỏng, ngày 20 tháng 7 năm Bính Tý (1996) đã tạc lại đôi ngựa khác bằng gỗ tương tự như xưa.
Trong Đình còn một số hoành phi câu đối đặc trưng:
Bức hoành “Hưu hữu liệt quang”
Ý nghĩa là Sự nghiệp sáng ngời rực rỡ.
Câu đối:
1. Tướng sử lục triều Lương địch quốc.
Thần bi nhất Phạm liệt danh hương
Tạm dịch:
Danh tướng thời lục triều đánh thắng giặc Lương.
Bia thần chốn làng quê sáng danh họ Phạm.
2. Trượng nghĩa cự Lương binh, hách hách tinh trung huyền nhật nguyệt.
Phong hầu minh Lý sử miền miền thang mộc ấm phần du.
Tạm dịch:
Khởi nghĩa dẹp quân Lương, sáng ngời lẫm liệt
Phong hầu ghi sử Lý, rạng rỡ quê hương.
Trong những năm qua, Đình được đầu tư trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới nhiều hạng mục.
Bên cạnh Đình là nhà Thọ xây năm Tân Mùi (1871) là nơi lễ thánh trong ngày khánh thọ của các cụ cao niên (từ 50,70, 80,90 trở lên) thống nhất vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm. Đây là mỹ tục kính lão, rất đáng quý, cần được duy trì và phát huy. Trải qua thời gian, nhà Thọ đã đổ nát nhiều. Ngày 25-11-1997, các bậc cao niên đã đứng ra vận động nhân dân tổ chức dựng lại Bái đường khang trang.
Đình Ngoại đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1989.
Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu
Theo thần phả, cụ Phạm Tu sinh ngày 12 tháng 3 năm Bính Thìn (476) tại trang Quang Liệt. Thân phụ là cụ Phạm Thiều, thân mẫu là cụ Lý Thị Trạch.
Vào giữa thế kỷ VI, phong trào khởi nghĩa chống ách đô hộ và thống trị của phong kiến phương Bắc nổ ra ở nhiều nơi. Trong đó, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí vào mùa Xuân năm 542. Ngay từ ngày đầu, cụ Phạm Tu cùng nhiều hào kiệt khác đã theo Lý Bí, góp phần tạo thanh thế cho cuộc khởi nghĩa này thêm lớn. Năm 542, khi tướng Phạm Tu mang nghĩa quân đi giúp Lý Bí là lúc cụ đã 66 tuổi.
Khởi nghĩa vừa nổ ra, tên đầu sỏ giặc Lương là Tiêu Tư, vô cùng khiếp sợ, bỏ chạy về nước. Sau thời gian kinh hoàng sợ hãi, tháng 4-542, chúng tổ chức phản công. Nghĩa quân đã đánh tan cuộc phản kích này của địch, kiểm soát toàn bộ miền Bắc cho tới đèo Ngang (tỉnh Quảng Bình).
Đầu năm 543, nhà Lương định phản công lần thứ hai. Trong khi chúng còn dùng dằng chưa dám tiến quân, nghĩa quân chớp thời cơ tổ chức một trận chiến lớn ở bán đảo Hợp Phố (thuộc Châu Giao). Quân Lương mười phần chết bảy, tám. Quân ta toàn thắng.
Việc dẹp quân xâm lược phương Bắc vừa xong thì tháng 5- 543, ở phía Nam, Chăm Pa lại đưa quân đánh phá châu Quảng Đức. Tướng Phạm Tu lại dẫn quân đi dẹp giặc. Chỉ một trận đã đánh tan quân giặc. Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí hoàn toàn thắng lợi. Những chiến công đánh Nam dẹp Bắc oai hùng, hiển hách ấy, đều do tướng Phạm Tu chỉ huy.
Tháng Giêng năm 544, Lý Bí tuyên bố dựng nước. Đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, lên ngôi vua xưng là Lý Nam Đế. Tổ chức triều đình với hai ban văn võ. Tướng Phạm Tu được Lý Bí ban tặng bốn chữ “Cự Bắc, Bình Nam”, giao cho đứng đầu Ban võ.
Đầu năm 545, nhà Lương cử Dương Phiêu và Trần Bá Tiên sang xâm lược nước ta. Lý Nam Đế cùng tướng Phạm Tu dẫn 3 vạn quân ra Chu Diên (tỉnh Hải Dương, Hưng Yên ngày nay) chống giặc.
Thế giặc mạnh, quân ta rút về đắp thành lũy phòng ngự ở cửa sông Tô Lịch. Đây chính là thành Tô Lịch, một thành cổ của Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long.
Về bảo vệ thành Tô Lịch, cụ đã chỉ huy quân chiến đấu rất oanh liệt và đã anh dũng hy sinh tại trận tiền ngày 20-7 năm Ất Sửu (545) thọ 69 tuổi.
Sau khi tướng Phạm Tu hy sinh, Lý Nam Đế sai Thái giám cùng triều quan xét công trạng Đại vương, phong là Long Biên Hầu, đặt thụy là Đô Hồ, làm Bản cảnh Thành hoàng trang Quang Liệt. Lại sắc phong cho bản hương Quang Liệt là thang mộc ấp, sưu sai tạp dịch đều được miễn trừ. Đồng thời, ban trăm lạng bạc, làm miếu phụng thờ, lưu truyền mãi mãi. Căn cứ sự phong ban của Lý Nam Đế, triều đình đã cử quan thái giám về quê hương Quang Liệt để xây miếu thờ Đại Vương. Đó có thể là miếu Vực, một ngôi miếu cổ nhất của làng Quang.
Các triều đại sau này đều có sắc phong, ca ngợi công đức của Đại Vương. Hiện còn lưu được Thần phả do cụ Vũ Đức sao y tại đền Hùng ngày 24-8-1934 và 18 đạo sắc phong, riêng đời Nguyễn có 11 đạo sắc phong.
Năm 1690, ngôi đình thờ danh tướng Phạm Tu đã được xây dựng trên thế đất đầu rồng bên đầm Ngọc Thanh. Ngôi đình ngày nay cùng với 18 đạo sắc phong là di sản lịch sử văn hóa quý báu.
Năm 1998, được sự hỗ trợ của Hội Sử học Việt Nam, một hội thảo khoa học được tổ chức tại Hà Nội đã suy tôn Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu là Thượng Thủy tổ họ Phạm Việt Nam. Hằng năm, ngày 20-7 (âm lịch), ngày mất của Đô Hồ Đại vương, dòng tộc họ Phạm từ khắp mọi miền đất nước lại tụ họp về đây để được nối mình với cội nguồn tổ tiên, cùng nhau ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của vị danh nhân Phạm Tu. Đây cũng là niềm tự hào của toàn thể nhân dân quê hương Thanh Liệt.