HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN PHỐ VÀ CÁC ĐƠN VỊ HIỆP QUẢN HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN PHỐ VÀ CÁC ĐƠN VỊ HIỆP QUẢN

Trạm y tế Thanh Liệt hướng dẫn cách xử trí ngộ độc thực phẩm ngày tết
Publish date 01/02/2024 | 10:25  | Lượt xem: 221

NGUYÊN NHÂN CÁCH XỬ TRÍ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM NGÀY TẾT

 

Nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn

- Ngộ độc thức ăn xảy ra khi chúng ta ăn phải những thức ăn chứa mầm bệnh như những vi khuẩn gây hại hoặc những chất độc sinh ra từ quá trình thức ăn bị ôi thiu.

- Thức ăn từ thịt động vật, hay chưa được nấu chín, rau chưa rửa sạch, các sản phẩm từ sữa, các loại thủy sản…, hầu hết đều chứa mầm bệnh. Các vi khuẩn thường - gây bệnh là: salmonnella, E.coli, listeria, campylobacter…

- Nguyên nhân ngộ độc thức ăn cũng có thể do các chất gây hại vô tình trong quá trình chế biến: Chất bảo quản, chất dùng làm gia vị không có nguồn gốc rõ ràng, hoặc các độc chất tự sinh ra trong quá trình ôi thiu khi thức ăn dự trữ, bảo quản không phù hợp

Nhận biết dấu hiệu ngộ độc thức ăn.

Ngộ độc thức ăn thông thường ở thể nhẹ, thoáng qua nhưng cũng có thể gây nặng tùy theo tác nhân gây bệnh. Trong vài giờ sau khi ăn các triệu chứng sẽ xuất hiện, bao gồm:

Buồn nôn, nôn mửa, khó chịu ở bụng, đau quặn bụng.

Tiêu chảy: một hoặc nhiều lần, phân có thể nhiều nước, trong phân có thể có máu.

Các triệu chứng toàn thân: Sốt, nhức đầu, chóng mặt, tụt huyết áp, hôn mê….là những triệu chứng nặng.

Cách xử trí ngộ độc thức ăn.

Khi có các triệu chứng trên chúng ta cần đến bệnh viện ngay để được bác sỹ chẩn đoán và điều trị sớm. Tùy theo mỗi loại mầm bệnh mà có cách điều trị cụ thể.

Khi bệnh nhân mất nước, ói và tiêu chảy nhiều, đặc biệt là trẻ em và người già, cần cho uống bù nước ngay, càng sớm càng tốt (có thể uống nước chín, nước lọc tại nhà, nước Orerol trước khi đi đến bệnh viện),

Cách phòng tránh ngộ độc thức ăn:

Lựa chọn các loại thực phẩm tươi sống, tốt nhất có kiểm định. Với những thức ăn chế biến sẵn, thì nên chọn mua những nơi có uy tín, đáng tin cậy, hợp vệ sinh còn thời hạn sử dụng.

Cảnh giác các loại thực phẩm có nguy cơ cao: Cá ngừ, măng tươi, nấm, các thức ăn chế biến sẵn không rõ nguồn gốc.

Nấu chín thức ăn với nhiệt độ thích hợp: các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Đối với các loại rau sống cần phải rửa thật kỹ 2-3 với nước sạch trước khi ăn.

Bảo quản thực phẩm hợp lý: Các loại vi khuẩn tiềm ẩn sẽ phát triển rất nhanh nếu thực phẩm không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp.

Sử dụng thức ăn trong vòng 2 giờ, tốt nhất ăn ngay khi còn nóng, nếu để quá 2 giờ thì phải bảo quản trong tủ lạnh và hâm nóng lại trước khi ăn,

Các loại thịt,cá, hải sản cần phải bảo quản trong ngăn đá.

Loại bỏ thức ăn thừa bởi đây là nguyên nhân thường gặp nhất của ngộ độc thức ăn.

          Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

          Đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh trong quá trình nấu nướng. Ví dụ như không sử dụng chung thớt thái đồ ăn sống và đồ ăn chín, rửa sạch các dụng cụ nấu nướng,...