GIỚI THIỆU CHUNG GIỚI THIỆU CHUNG

ĐÌNH THỜ DANH NHÂN TIÊN TRIẾT CHU VĂN AN ( ĐÌNH NỘI) XÃ THANH LIỆT, HUYỆN THANH TRÌ - DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA
Publish date 01/07/2023 | 08:00  | Lượt xem: 700

Tháng 11 năm 2019, tại Kỳ họp lần thứ 40 Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO đã vinh danh Danh nhân Chu Văn An là danh nhân văn hóa thế giới.

 

Đình thờ danh nhân Tiên Triết Chu Văn An ( Đình Nội)

Đình được xây dựng năm Ất Dậu (1765) do Hội Tư văn thôn Trung hưng công. Đình thờ danh nhân Chu Văn An và hai vị hậu duệ là cụ Chu Tam Tỉnh (đỗ Tiến sĩ năm 1431) và cụ Chu Đình Bảo (đỗ Tiến sĩ năm 1484).

Suốt gần 250 năm qua, đình không ngừng được trùng tu. Nhất là đợt tôn tạo lớn năm 1864. Đến năm 1921, đình được xây thêm hai dãy tả mạc, hữu vu.

Hiện nay Ngôi đình được xây dựng vơi quy mô Thủy đình, Đại bái, Trung cung, Hậu cung, Tả - Hữu vu.

 Đại bái là một ngôi nhà ngang năm gian, hai dĩ, hai mái chảy lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp nổi hình tượng hổ phù đội mặt trời lửa, ngậm chữ Thọ, hai đầu bờ nóc là Makara cách điệu, cuối bờ dải xây giật cấp. Từ bờ dải qua tường lửng, nối với biểu, tạo thế tay ngai, trụ biểu. Vào bên trong, tương ứng với năm gian là các bộ vì gỗ trên bốn hàng chân cột. Bộ vì ba gian giữa kết cấu theo kiểu thượng chồng rường, giá chiêng, hạ chồng rường, bẩy chéo. Bộ vì hai gian bên được làm theo kiểu thượng chồng rường, giá chiêng, vì nách kẻ ngồi, bẩy hiên. Chạm khắc trang trí tập trung ở các con rường và đầu dư gian giữa với đề tài rồng, lá lật, hoa văn sóng nước khá uyển chuyển.

Ngay sau Đại bái là Trung cung với lối kiến trúc hẹp lòng, bộ vì mai cua với tám khoảng hoành được chạm khắc trang trí hai mặt, đề tài cá chép hóa rồng, hổ phù, tứ quý rất sinh động, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

 Hậu cung cũng là nếp kiến trúc hẹp lòng, gồm ba gian, hệ tường bao quanh được xây vượt cao lên. Bộ vì đỡ mái làm đơn giản theo kiểu chồng rường. Gian chính giữa Hậu cung là khám thờ Chu Văn An, hai bên là ban thờ hai vị Chu Đình Bảo và Lý Trần Thản.

Trong cung có tranh thờ và đầy đủ nghi trượng tế tự. Đến ngày 26 tháng 11 năm Ất Hợi (1995) xã đã tạc pho tượng gỗ để thờ. Các đồ thờ tự hầu hết được mua sắm từ năm Mậu Ngọ (1918) và được bổ sung, tôn tạo thường xuyên. Năm 2009 đình được tu bổ tôn tạo lại toàn bộ và mở rộng khuôn viên sân đình như hiện nay và được gắn biển “công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội”.

Trước Đình là Lầu thủy tạ hình tròn đặt ở giữa Hồ bán nguyệt, rất mỹ thuật và phong thủy, được xây dựng năm 1941. Lầu thủy tạ này thường được lấy làm hình ảnh kiến trúc biểu trưng cho xã Thanh Liệt và cả huyện Thanh Trì.Tháng 6 năm 2010, khi trùng tu Đình thờ Chu Văn An, Lầu Thủy tạ được hạ giải để nắn đường trả lại mở rộng sân đình.

Trong đình có nhiều hoành phi, câu đối. Chính giữa là bức hoành: “Túc thanh cao” đã khái quát về đức hạnh của danh nhân. Có bức hoành “Thanh Liệt xã nghĩa dân” do vua Tự Đức ban năm Quý Mùi (1883) sau khi nhân dân Thanh Liệt trong một trận chiến đấu cùng nhân dân 5 xã trong vùng đã đánh thắng giặc Cờ đen ngày 20-7-1882 trên sông Nhuệ. Trận này do cụ Vũ Trường chỉ huy. Trong lúc trận mạc giao tranh ác liệt, cụ anh dũng hy sinh.

Ở giữa là đôi câu đối Nôm:

Thất trảm sớ còn thơm, gương sử thẹn cho tuồng mãi quốc.

Lục kinh tro chửa nguội, biển huỳnh treo mãi chốn danh hương.

Tại đây thờ phối ba vị tiên hiền: Chu Tam Tỉnh, Chu Đình Bảo và Lý Trần Thản. Chu Tam Tỉnh đỗ Tiến sỹ khoa Ngự thí năm Tân Hợi (1431), niên hiệu Thuận Thiên thứ 4 đời vua Lê Thái Tổ, tự Tĩnh Chi, làm quan đến chức Hàn lâm Trực học sỹ, Tả hình viện đại phu, hiện còn 2 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục, Cháu bốn đời là Chu Đình Bảo. Chu Đình Bảo năm 33 tuổi đã đỗ Tam giáp đồng tiến Sỹ xuất thân khoa thi Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức 15 (1484), đời vua Lê Thánh Tông, sau được vua cử đi sứ sang nhà Minh. Tiên sinh họ Lý tự là Lý Trần Thản, đỗ Tiến Sỹ khoa Kỷ Sửu (1769), làm Tả tư giảng quận công, nhậm chức tại xứ Hưng Hóa, được giao chức Thượng thư bộ binh, sau được phong tặng Đại vương ban thụy là Mẫn Đạt. Lý Tiên Sinh nguyên quán Lê Xá, huyện Duy Tiên, Hà Nam, nhập tịch tại xã Thanh Liệt (theo Quốc triều khoa lục).

Đặc biệt trong đình còn có hai bia đá trụ ghi:

Đệ nhất vị: Chu Phu Tử

Đệ nhị vị: Chu Tam Tỉnh

Đệ tam vị: Chu Đình Bảo

Đệ tứ vị: Lý Trần Thản, nguyên quán Duy Tiên, Hà Nam làm đến Thượng thư.

Ngôi Đình Nội còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng thôn, xã. Từ tháng 2-1918 có rước giữa hai đình trong ngày hội làng.

Thời phong kiến, đình là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của làng xã, nơi dân làng họp bàn những công việc chung và cũng là địa điểm làm việc của kỳ hào, lý dịch của xã.

Sân đình cũng là nơi đã diễn ra bao vụ đàn áp, phạt vạ người dân lao động trong những lần bổ thuế, bắt phu.

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, đình Nội là địa điểm thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của xã Thanh Liệt và nơi chính quyền cách mạng ra mắt dân chúng. Đồng thời, đây cũng là nơi chứng kiến sự tan rã chính quyền thực dân phong kiến, chấm dứt sự thống trị của chế độ áp bức đế quốc thực dân.

Con đường cái quan trước đây chạy vòng bên ngoài Hồ bán nguyệt. Năm 1968, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nhà nước mở đường mới chiếu thẳng qua sân đình Nội. Đến năm 2010 con đường được nắn lại chạy ven bờ sông, trả lại cảnh quan sân đình như xưa. Cũng trước đây, cuối sân đình còn có hai cột hoa biểu lớn với tường ngăn. Hai đầu đình có biển “Hạ mã” (xuống ngựa) rất uy nghiêm.

Trải qua thời gian tồn tại và có những biến động qua các lần trùng tu, sửa chữa, song cơ bản di tích vẫn trong khu vực đất Thanh Liệt, ven sông Tô và còn bảo lưu được những di vật quý như: kiệu gỗ, khám thờ, y môn, cửa võng, hoành phi, câu đối, lộc bình, đỉnh trầm, bia đá, sắc phong, thần phả...

Đình Nội là một trong những di tích quan trọng của huyện Thanh Trì, nơi thờ vị danh nhân lớn của đất nước, di tích được bảo quản tốt, đã góp phần không nhỏ vào việc suy tôn Chu Văn An, người thầy mẫu mực trong lịch sử, có đóng góp quan trọng đối với nền giáo dục nước nhà, đồng thời giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Đình Nội đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1989.

Tranh vẽ Chu Văn An. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Danh nhân Chu Văn An (1292-1370) - Người thầy của muôn đời.

Theo thần phả, Thầy giáo Chu Văn An sinh ngày 15 tháng 8 năm Nhâm Thìn (1292) tại làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).

Thân phụ thầy là cụ Chu Thiện, người phương Bắc, giỏi thiên văn địa lý. Thân mẫu là cụ Lê Thị Chiêm, người thôn Văn.

Thuở thiếu thời, thầy Chu đã thể hiện tính cương giới, thanh tu khổ tiết, không ham danh lợi. Học thức của thầy uyên bác, nổi tiếng gần xa.

Ở quê nhà, thầy mở trường dạy học. Dấu tích trường xưa nay thuộc thôn Huỳnh Cung, giáp với thôn Văn. Đương thời, học trò thầy rất đông. Theo Danh nhân đất Việt: “Học trò của cụ đông có tới 3.000 người”. Có cả học trò từ Kinh Bắc, Sơn Nam, Châu Hồng, Châu Hoan “đến học chật cửa”. Có người đỗ đạt cao như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, làm quan đến chức Hành khiển thượng thư (Tể tướng).

Theo truyền thuyết, có cả hai con vua Thủy Tề hiện hình lên học. Một lần, nghe lời thầy, hai học trò hóa phép làm mưa cứu hạn. Việc này làm lộ thiên cơ, bị trời đánh chết, hiện nguyên hình là con thuồng luồng. Hiện nay còn được thờ ở đền Đức Thánh Hóa Bảo Ninh Vương, cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội.

Các di tích Đầm Mực, Mả Lốt vẫn được truyền tụng; quanh vùng hàng chục làng vẫn thờ Thủy thần.

Chính vì thầy Chu nổi tiếng uyên bác như vậy, nên vào khoảng năm 1324, vua Trần Minh Tông (1314-1329) đã vời thầy vào cung dạy Thái tử Vượng, tức vua Trần Hiến Tông.

Ngoài việc dạy học, thầy còn tham gia quốc sự. Vì vậy, thời Trần Minh Tông, chính sự không có gì lầm lỗi, phần nào đó là do có sự tham chính của thầy Chu.

Khi Thái tử Vượng lên ngôi, tức Trần Hiến Tông (15-3-1329), thầy Chu chuyển sang giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên của nước ta. Thầy Chu là vị Hiệu trưởng đầu tiên trong số 24 vị hiệu trưởng tiếp theo các đời sau.

Thời Trần Hiến Tông, nhà Trần hưng thịnh. Nhưng từ sau khi Trần Hiến Tông mất sớm (mới 23 tuổi), Trần Dụ Tông lên ngôi, tình hình chính sự suy đồi dần, do gian thần xu nịnh, thao túng.

Thầy Chu nhiều lần can gián, Dụ Tông không nghe, triều đình càng nghiêng ngả. Vì vậy, thầy Chu đã dâng “Thất trảm sớ”, xin chém 7 tên nịnh thần. “Thất trảm sớ” sáng ngời chính khí, tuy Dụ Tông không nghe theo, nhưng cũng không có cơ sở bác bỏ.

Do đó, thầy Chu đã treo mũ áo từ quan, về quê tiếp tục làm nghề dạy học. Vào khoảng năm 1360, thầy Chu đi vãn cảnh ở núi Chí Linh, thấy vùng núi Phượng Hoàng (nay thuộc phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) cảnh đẹp, hợp cảnh hợp người, thầy Chu liền lưu lại, làm nhà bên núi ở ẩn, lấy hiệu là Tiều Ẩn, lại tiếp tục mở trường dạy học và bắt mạch bốc thuốc trị bệnh cứu người.

Một thời gian sau, Dụ Tông có mời thầy về tham chính, nhưng thầy không nhận. Khi Dụ Tông mất (1369), Dương Nhật Lễ thoán nghịch, cướp ngôi. Trần Phủ (con thứ 10 của Dụ Tông) đã cùng Trần Nguyên Đán khởi binh phế Dương Nhật Lễ.

Trần Phủ lên ngôi, tức Trần Nghệ Tông. Biết được tin ấy, thầy Chu chống gậy về kinh thành mừng. Nhà Vua rất cảm kích.

Ở kinh thành về, cùng năm đó sức khỏe thầy bị suy yếu và thầy đã mất vào ngày 26 tháng 11 năm Canh Tuất (1370) tại núi Phượng Hoàng, xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thọ 78 tuổi.

Sau khi thầy qua đời, Vua ban tên thụy là Văn Trinh Công, được đặc ân tòng tự trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngang hàng với các bậc Tiên Nho.

Tại quê hương Thanh Liệt, có hai nơi thờ thầy là miếu Thổ Kỳ (thờ cả thân mẫu thầy) và đình Nội. Trước khi có đình Nội, từ năm 1372 dân làng đã xây miếu thờ thầy ở khu Ao Tròn (xế cửa chùa Quang Ân ngày nay) gọi là Chu Công từ.

Mộ thầy Chu hiện ở lưng chừng dãy núi Phượng Hoàng thuộc phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ở đây còn nhiều bia đá, trong đó có tấm bia lớn khắc “Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cư xứ” dựng năm 1784. Nơi đây cũng là một di tích nằm trong quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Hoàng được tôn tạo, nâng cấp. Ngày 12 tháng 8 năm Đinh Sửu (13-9-1997), khu di tích được tổ chức khánh thành đợt 1, nhân dân xã Thanh Liệt đã tiến pho tượng và rước đến xã Văn An, tế lễ yên vị.

Ngày 15-10-1998, xã Văn An tổ chức khánh thành điện Lưu Quang và đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia, nhân dân Thanh Liệt đã đến dự Lễ hội.

Năm 1995, hai xã Thanh Liệt và Văn An nơi quê hương của Thầy và nơi Thầy yên nghỉ đã tổ chức kết nghĩa. Năm 2009, Đền thờ thầy giáo Chu Văn An ở phường Văn An, thị xã Chí Linh được khánh thành.

Trải qua 7 thế kỷ, dòng họ Chu tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của thôn Văn xã Thanh Liệt. Thôn Văn thật tự hào có một danh nhân lớn của đất nước. Cổng thôn có đôi câu đối:

Trung Thành Văn xá Chu phu tử

Hệ xuất tiền triều Đặng tướng công

Tạm dịch:

Đất Văn nổi tiếng Chu Tiên Triết

Triều Trần nối dõi Đặng Tướng Công.

Dòng họ Chu ở đây hiện nay đã là 26 đời (tính đến đời ông Chu Văn Tài). Tuy nhiên tộc phả không còn được liên tục, từ đời thứ 20 trở lên còn phải tra cứu tiếp.

Theo văn bia ở Đình Nội dựng năm 1865 có ghi Chu Tam Tỉnh, phụ chú là Chu Phu Tử chi nam, đậu khoa Ngự thí năm Đinh sửu làm đến Trực học sĩ Viện hàn lâm. Và Chu Đình Bảo là cháu tằng tôn đậu Tiến sĩ năm 1484.

Theo sách Quang Liệt Chu thị di thư, còn thấy có tên một số vị như Chu Tuấn Đức, Chu Khắc Địch, cháu trưởng họ chép phần thiên văn năm 1392; Chu Doãn Văn và con trai ông là Chu Doãn Tuy chép phần y học năm 1466. Quyển sách hiện còn là do ông Chu Xuân Lượng, cháu 20 đời, chép lại năm 1856.

Đương thời, thầy Chu viết rất nhiều nhưng nay chỉ còn một số tác phẩm như: Tứ thư thuyết ước (tóm tắt bộ Tứ thư); Quốc ngữ thi tập, Tiều Ẩn thi tập (tập thơ Nôm và thơ chữ Hán, nay còn lại 12 bài thơ); Y học yếu giải...

Sự nghiệp, đức độ của thầy Chu cao cả, uyên bác, cương nghị như vậy nên sử sách và nhiều sử gia, danh sĩ đời sau hết lời ca ngợi. Trong Nam sử sách lược ghi “Chu Văn Trinh là nhân tài trong nhân tài”, hay trong Kiến văn tiểu lục ghi “Chu Văn An là người vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục, đấy là bậc thánh cao nhất”. Nhưng khái quát hơn cả là sử thần Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Bao nho gia nước Việt ta... những kẻ chỉ vì công danh phú quý, ăn lộc giữ mình, chưa thấy người nào chỉ về đạo đức cho dân được nhờ như Chu Văn Trinh ở đời Trần... Văn Trinh Công thờ vua thì nói thẳng trước mặt, việc xuất hay xử đều có lý lẽ, rèn đúc nhân tài thành công khanh, cao thượng tiết tháo, khiến thiên tử không bắt nổi làm tôi. Nét mặt nghiêm nghị mà đạo làm thầy được tôn, lời nói lẫm liệt mà kẻ nịnh phải sợ. Đáng là bậc tôn sư của nhà nho nước Nam ta, mà được tòng tự tại Văn Miếu là xứng đáng”.

Trên quê hương Tiên triết Chu Văn An - người thầy của muôn đời, trong thời kỳ đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, xã Thanh Liệt đã có bước tiến mạnh mẽ về mọi mặt, nhất là về sự nghiệp trồng người, thể hiện truyền thống văn hiến, hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Tháng 11 năm 2019, tại Kỳ họp lần thứ 40 Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO đã vinh danh Danh nhân Chu Văn An là danh nhân văn hóa thế giới.