GIỚI THIỆU CHUNG
Ngày 2 tháng 6 năm 2023 tức ngày Rằm tháng Tư năm Quý Mão là ngày Đại lễ Phật đản năm 2567 Phật lịch.
Cùng với giới Tăng ni, Phật tử cả nước, tại chùa Long Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã diễn ra lễ Phật đản vô cùng trang trọng.
Tham dự buổi lễ có Thượng toạ Thích Minh Trí – Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Phật giáo quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Thường trực Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Thành hội Phật giáo Hà Nội, trụ trì chùa Long Quang và các vị Thượng toạ, Đại đức cùng đông đảo Tăng ni, Phật tử, nhân dân địa phương. Đại diện lãnh đạo xã Thanh Liệt có các ông: Phạm Văn Dũng – Bí thư Đảng uỷ, Nguyễn Văn Hưởng – Chủ tịch UBND, Nguyễn Văn Phong – Chủ tịch Uỷ ban MTTQ và bà Nguyễn Thị Hương – Phó Chủ tịch HĐND xã Thanh Liệt tham dự buổi Đại lễ.
Như chúng ta đều biết, ngày Phật đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật đản, Vu lan, Thành đạo). Đây là ngày lễ trọng đại được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng tư để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.
Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950 tại Colombo (Sri Lanka), 26 nước là thành viên đã thống nhất lấy ngày Phật đản quốc tế là ngày Rằm tháng Tư âm lịch hàng năm.
Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 âm lịch đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).
Vào ngày lễ Phật đản, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng) và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, thực hành bố thí và làm việc từ thiện cho những người yếu kém trong cộng đồng.
Theo truyền thống, Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày Rằm tháng Tư âm lịch. Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật... để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau…
Trong lễ Phật đản tại chùa Long Quang, sau màn múa dâng hoa và các tiết mục văn nghệ của các cháu Trường Mẫu giáo Mầm non và của các Phật tử, mọi người đã được nghe Thượng toạ Thích Minh Trí đọc Thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng. Thông điệp nêu rõ Phật đản là dịp cho tất cả chúng ta cùng ôn lại lịch sử của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, là cơ hội để mọi người chiêm nghiệm, sống theo lời dạy chân thực, có giá trị vượt thời gian của ngài.
Thông điệp của Đức Pháp chủ nhấn mạnh: “Chúng ta tự hào về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và trong đó có dấu ấn về hạnh nguyện cao cả của Bồ tát Thích Quảng Đức trên con đường phụng sự đạo pháp và dân tộc. Ngọn lửa từ bi cùng với trái tim bất diệt của ngài có năng lực soi sáng và thức tỉnh lương tri của con người, hóa giải tất cả hận thù. Ngọn lửa đó đã chỉ cho mỗi người sống là phải biết vượt lên mọi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ hẹp hòi và mọi ý niệm cực đoan… Ngài là biểu tượng sáng ngời của tinh thần bi - trí - dũng của bậc Bồ tát hiện thế và tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam”. Đức Pháp chủ kêu gọi Tăng ni, Phật tử các giới “ra sức làm các thiện sự, tích cực góp phần xây dựng đất nước, kiến tạo hòa bình tự thân để kết nên một đài sen cúng dường Đức Thế Tôn trong mùa Phật đản năm nay”.
Thay mặt lãnh đạo địa phương phát biểu tại Đại lễ Phật đản, ông Nguyễn Văn Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh Liệt đã gửi lời chúc đến các Tăng ni, Phật tử luôn an lạc trong chính pháp và đón một mùa Phật đản an vui, thắm tình đạo vị; đồng thời, mong muốn các chức sắc Phật giáo, các Phật tử tại địa phương sẽ phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp và giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần thiết thực trong công cuộc phát triển Giáo hội Phật giáo vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước trong hoà bình, an lạc.
Kết thúc buổi lễ, các vị chức sắc Phật giáo, các vị lãnh đạo Đảng uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc địa phương và đông đảo Phật tử, Tăng ni, nhân dân tham dự buổi Đại lễ đã tiến hành nghi thức tắm Phật vô cùng trang nghiêm trong tiếng cầu kinh thành kính, thiết tha!
Môt số hình ảnh tại buổi đại lễ: